Tổng Giám mục phó Sài Gòn (1975 – 1994) Phanxicô_Xaviê_Nguyễn_Văn_Thuận

Những căng thẳng xung quanh vụ bổ nhiệm Tổng giám mục phó Sài Gòn

Ngày 7 tháng 1 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa mất quyền kiểm soát tỉnh Phước Long, địa điểm có vị thế cửa ngõ tiến vào Thành phố Sài Gòn. Nhận định tình hình quân sự phức tạp, Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre trao đổi với Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình vấn đề Tổng giáo phận cần một tổng giám mục phó. Theo ý của Giáo hoàng Phaolô VI, vị này cần có các tiêu chuẩn như: tuổi tác không quá nhỏ hoặc lớn, có tinh thần sống chung, hợp tác với chính quyền mới.[32] Tháng 4 năm 1975, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình năm lần yêu cầu Khâm sứ Tòa Thánh Lemaitre xin Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục phó Sài Gòn.[33]

Chiếu theo đề nghị của Khâm sứ, ngày 24 tháng 4 năm 1975, Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục Thuận làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, chức vị tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị.[34][17] Cùng với tin bổ nhiệm này, Tòa Thánh cắt đặt Giám mục Giáo phận Phan Thiết Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm giám mục kế vị ông tại Giáo phận Nha Trang.[35] Do Tân Tổng giám mục phó Thuận là cháu trai cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và việc bổ nhiệm chỉ xảy ra vài ngày trước khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam (ngày 30 tháng 4 năm 1975),[36][37] việc bổ nhiệm này bị nhóm Công giáo cảnh tả phản ứng mạnh mẽ.[38] Đối với chính quyền mới, việc thuyên chuyển này là âm mưu của Vatican và các đế quốc. Tổng giám mục Thuận bác bỏ cáo buộc trên.[7]

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thuận tạm hoãn về Sài Gòn, đến ngày 7 tháng 5 thì ông mới về thành phố này để nhận nhiệm vụ mới.[8] Trong sách "Năm chiếc bánh và hai con cá" do chính ông viết, ông hồi tưởng về sự kiện này như sau: Ðêm ấy 7 tháng 5 năm 1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha. Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… [34] Trong thư mục vụ giã từ giáo phận Nha Trang, Nguyễn Văn Thuận cho biết ông vâng theo quyết định Giáo hoàng với việc bổ nhiệm mới.[32]

Ngày 8 tháng 5, một nhóm 15 linh mục (hoặc khoảng 20 linh mục)[32], trong đó có các linh mục Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh,... viết thư đến Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, yêu cầu hoãn bổ nhiệm giám mục Nguyễn Văn Thuận.[39] Bốn ngày sau đó, Văn phòng Tòa Tổng giám mục Sài Gòn gửi thư cho tất cả các giáo xứ trong Tổng giáo phận, loan báo việc Tòa Thánh đã bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục Phó Sài Gòn ngày 25 tháng 4 và ông chính thức nhận nhiệm vụ mới vào ngày ra thông báo.[40] Tân tổng giám mục phó đến chủng viện cùng tổng giám mục Bình, thăm giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm thì nhóm linh mục gồm 7 linh mục trong số 15 linh mục đề nghị hoãn việc Tổng giám mục Thuận đến Chủng viện chất vấn Tổng giám mục Bình và yêu cầu tổng giám mục phó Thuận từ chức ngay lập tức. Họ cho rằng việc thuyên chuyển, bổ nhiệm thì các giám mục Việt Nam có thể tự thu xếp mà không cần đến Tòa Thánh.[39][41] Linh mục Stêphanô Chân Tín, một người bất đồng chính kiến thừa nhận ông có ký tên trong bản kiến nghị này, nhưng với mục đích xin hoãn việc nhậm chức Tổng giám mục phó của Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận vì cho rằng tình hình lúc này quá căng thẳng và có thể gây nguy hiểm đến tân tổng giám mục phó.[42]

Một ngày sau việc chất vấn của nhóm linh mục, từ 50 đến 60 sinh viên Công giáo đến Tòa Tổng giám mục Sài Gòn. Tại đây, họ căng 3 biểu ngữ nhằm yêu cầu Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận từ chức. Trưa cùng ngày, một phái đoàn giáo dân đến gặp và đề nghị giám mục Nguyễn Văn Thuận tự nguyện từ chức. Các đề nghị trên bị khước từ, nhóm linh mục và giáo dân này tố cáo giám mục Thuận thuộc dòng họ chống Cộng và có ảnh hưởng đến phong trào chống Cộng. Các bài báo trên báo Sài Gòn Giải Phóng số 29 ngày 8 tháng 6 năm 1975 và bản tin của Đài phát thanh Sài Gòn Giải Phóng ngày 7 tháng 6 năm 1975 đề cập đến việc nhiều tổ chức Công giáo, bao gồm các linh mục và giáo dân yêu cầu Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức và kết án Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận có những hành động chống chính phủ Cách mạng Lâm thời.[41]

Ngày 7 tháng 6, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình viết thư xác nhận việc Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục Nguyễn Văn Thuận là phù hợp với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của Tổng giáo phận Sài Gòn. Ông bác bỏ rằng việc bổ nhiệm là một việc áp đặt, đồng thời khẳng định một số giám mục cũng như bản thân ông đã được tham khảo ý kiến và chính ông đã đồng ý việc bổ nhiệm. Nguyễn Văn Bình cũng kêu gọi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tuân phục quyết định của Tòa Thánh.[43] Trước tình hình này, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình viết thư gửi đến ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, đồng gửi ông Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định vào ngày 8 tháng 6 nhằm nêu lên một số quan điểm của mình. Trong thư, tổng giám mục Bình cho rằng các thông tin mà nhóm giáo dân và linh mục trên đang tuyên truyền trong thời gian từ 4 đến 5 ngày tới, Chính phủ Lâm thời sẽ trục xuất Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận khỏi Tổng giáo phận Sài Gòn. Nguyễn Văn Bình nhận định, các tổ chức mệnh danh Công giáo trên chỉ là thiểu số, không thể đại diện cho giáo dân Công giáo; các tội gán cho Khâm sứ và Nguyễn Văn Thuận là thất thiệt và việc tung tin đồn làm giáo dân bất mãn. Nội dung thư, Tổng giám mục Sài Gòn cũng đề nghị chấm dứt chiến dịch tố cáo các giáo sĩ và dừng việc trục xuất tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận mà ông cho rằng là phi pháp.[41]

Ngày 27 tháng 6 năm 1975, Ủy ban Quân Quản thành phố Sài Gòn – Gia Định công bố quyết định không cho ông Nguyễn Văn Thuận hoạt động tôn giáo tại thành phố. Trong cuộc họp kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Tổng giám mục Thuận đã tiếp xúc với ba cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản cùng nhóm những người Công giáo yêu nước, họ cho rằng việc thuyên chuyển một người họ hàng với Ngô Đình Diệm vào Sài Gòn vào thời điểm này là âm mưu của các nước đế quốc.[34] Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định ra thông báo ngày 1 tháng 7 tuyên bố không chấp thuận việc bổ nhiệm đối với Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận và yêu cầu ông về lại nơi cư trú trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.[40]

Vụ việc bắt giữ và thời gian ngục tù, quản chế

Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Ủy ban Quân quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để tuyên truyền về "âm mưu" và buộc tội Tân Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận. Bị mời đến có khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ. Lúc 14 giờ, hai giám mục của Sài Gòn là Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Tổng giám mục Phó Nguyễn Văn Thuận được đưa đến Dinh Độc Lập. Khi đi dọc hành lang để đến phòng họp, tổng giám mục Bình đi trước giám mục Thuận thì một công an chặn và dẫn giám mục Thuận rời đi. Tổng giám mục Bình có cuộc hội kiến với tướng Trà. Khi ra về, khi được hỏi về giám mục Thuận để cùng ra về, Tổng giám mục Bình nhận được hồi đáp của tướng Trà: Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.[34] Nguyễn Văn Thuận bị bắt, chỉ mang các vật dụng là một tràng hạt và áo chùng thâm giáo sĩ và bị đưa đi với cung đường 450 km. Nguyễn Văn Thuận cho biết ông có nhiều cảm xúc lẫn lộn: cô đơn, mệt mỏi,... nhưng quyết định sống theo tâm tình của Giám mục John Walsh, từng bị tù tại Trung Quốc: Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương.[7] Tối cùng ngày, Công an đến bắt Nguyễn Văn Thuận đưa đến Nha Trang, đến quản thúc tại Giáo xứ Cây Vông, thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.[44][13] Tại Cây Vông, nhiều công an cả công khai và chìm theo dõi Tổng giám mục Thuận. Nguyễn Văn Thuận cho biết ông đau lòng khi các sinh hoạt mục vụ và các tu sĩ và giáo dân không thể tiếp tục tham gia các sinh hoạt tôn giáo. Ông hoàn thành cuốn sách Đường Hy Vọng trong thời gian tại Cây Vông, bằng việc biên soạn vào các đêm tháng 10 và tháng 11 năm 1975, trên những tờ lịch cũ được một bé trai hỗ trợ.[13][7]

Ngày 18 tháng 3 năm 1976, Nguyễn Văn Thuận bị đưa vào giam ở trại Phú Khánh, Nha Trang. Đây là nơi ông đánh giá nơi gây cho mình nhiều vất vả nhất. Tại trại giam này, Tổng giám mục Thuận bị đưa vào một căn phòng không cửa sổ. Căn phòng này nóng ẩm, ngột ngạt, nấm mọc trắng nền và chiếu. Những điều kiện của căn phòng làm ông dần mất ý thức và mê man. Căn phòng được sắp xếp để có khi được mở đèn sáng như ban ngày, khi lại không có ánh sáng, khi mưa có những côn trùng bò vào trong phòng, thông qua một lỗ nhỏ dưới vách, nơi tù nhân Thuận đưa mũi vào để hít thở. Tình trạng của Tổng giám mục Thuận tồi tệ, có khi cấp dưỡng đã đưa hai linh mục cùng bị giam đến xem mặt lần cuối vì tin rằng ông sắp chết.[7]

Đến ngày 29 tháng 11 năm 1976, ông bị chính quyền đưa vào giam ở trại Thủ Đức.

Ngày 1 tháng 12 năm 1976, Nguyễn Văn Thuận cùng nhiều tù nhân khác được đươc lên tài Hài Phòng được neo đậu tại bến Tân Cảng, gần cầu Xa Lộ. Họ được đưa đến trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, tọa lạc tại thung lũng núi Tam Đảo.[7] Sau đó, ông được chuyển đến nhà giam Công an Thành phố Hà Nội.[14] Từ ngày 26 tháng 5 năm 1978, tù nhân giám mục Nguyễn Văn Thuận bị đưa ra quản thúc ở giáo xứ Giang Xá.[45][46] Tại đây, ông bí mật viết hai cuốn sách: Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II và Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng.[7] Ông đã bị quản thúc tại đây đến tháng 11 năm 1982.[46] Cán bộ tại địa phương này bị điều chuyển liên tục, bảo vệ cũng bị thay đổi hai tuần một lần, do nhiều người đã bỏ định kiến mà có ấn tượng tốt về Nguyễn Văn Thuận.[45][47] Tổng giám mục Thuận từng giữ lại tờ báo Quan sát viên Rôma bọc cá được gửi đến theo kiểu bưu kiện vì cho rằng đó là sự hiệp thông với giáo hoàng và Giáo hội Cong giáo.[47]

Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 tại Rôma, Tòa Thánh Vatican hỏi ý kiến Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình về việc đưa Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần về Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, thay thế Tổng giám mục Thuận đang chịu cảnh tù ngục. Tổng giám mục Bình sau hai tuần suy nghĩ đã từ chối đề xuất này, với lý do lo ngại cho sức khỏe của Giám mục Tuần.[48][49]

Tuy không bao giờ bị kết án,[50][3] Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận bị 13 năm tù và quản chế, trong đó có 9 năm biệt giam.[51][52] Sau khi được trả tự do, ông còn bị quản chế 3 năm.[53] Ngoài ông, em ruột ông là Nguyễn Văn Thanh cũng chịu cảnh bị giam ở nhiều trại tù cải tạo.[54]

Phản ứng quốc tế về vụ bắt giữ

Cuối tháng 2 năm 1977, Tòa Thánh mới biết thông tin và loan tin vụ việc Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận bị bắt giữ. Ngoài ra, các chi tiết về vụ việc này cũng không được công bố.[55] Thông tin từ tờ Catholic News Service cho biết tổng giám mục Thuận bị giam giữ trong một phòng giam thiếu khí và tối, bị ngược đãi, đánh đập và buộc đứng hàng giờ liền. Tháng 5 năm 1977, có thông tin chân Tổng giám mục Thuận đã liệt và ông mắc bệnh về phổi. Thông tin về sự tôn kính của các tù nhân đối với ông cũng được lan truyền.[56]

Có nhiều thông tin đồn đoán về số phận Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận, bao gồm nguồn tin cho biết ông đã chết trong tù, mặc dù chính quyền Việt Nam bác bỏ thông tin này..[56] Từ tháng 6 năm 1977, một người chị em gái với Tổng giám mục Thuận là bà Anna Ngân đã cho đăng tải thông tin đề nghị trả lại tự do cho ông Nguyễn Văn Thuận trên trang nhất báo Tổng giáo phận Sydney, Catholic Weekly The Australian (Tuần báo Công giáo Úc). Sau vài tháng sau chiến tranh Việt Nam bà Ngân và các giám mục Ùc đề nghị Thủ tướng Úc Malcolm Fraser yêu cầu các quan chức Việt Nam cung cấp thông tin nhưng không thu được kết quả. Câu hỏi về tình hình Tổng giám mục Thuận cũng được Giáo hoàng Phaolô Vđưa ra trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Fraser tháng 5 năm 1977.[57][56] Trước khi tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới vào tháng 10 năm 1977, Hồng y Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Như Khuê và Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình được phép thăm Tổng giám mục Thuận đang quản thúc tại Hà Nội. Từ sau thông tin trước thượng hội đồng Giám mục, không có thêm thông tin về Nguyễn Văn Thuận. Thông tin về Nguyễn Văn Thuận được các quan chức Tòa Thánh Vatican xác nhận vào tháng 6 năm 1978 là ông đang bị quản chế tại một giáo xứ tại Hà Nội, được phép cử hành thánh lễ nhưng không rõ các quy tắc giới hạn đối với ông.[57]

Ngày 22 tháng 9 năm 1993, nhân việc rắc rối về việc bổ nhiệm Giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi từ Phan Thiết về Sài Gòn, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, gửi thư cho Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Nội dung thư này có nhắc đến việc bổ nhiệm Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận: Như cụ đã biết, năm 1975 Chính phủ ta đã không chấp nhận ông Nguyễn Văn Thuận về Giáo phận thành phố và dứt khoát sẽ không bao giờ chấp nhận, vì ông Nguyễn Văn Thuận đã từng gắn bó với một gia đình có nhiều nợ máu với nhân dân và bản thân ông Nguyễn Văn Thuận cũng có một quá trình lâu dài và tinh vi chống phá sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc.[58]

Trong tù, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận vẫn cử hành thánh lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ông, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử. Với những thứ đó, mỗi ngày ông dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Bí tích Thánh Thể. Buổi tối, khi ông và các tù nhân khác phải đi ngủ, họ nằm sát nhau để cử hành thánh lễ, sau đó lén chuyền Thánh Thể cho nhau qua các tấm màn chống muỗi. Họ dùng bao thuốc lá để cất giữ Thánh Thể.[59]

Tờ The Guardian đánh giá việc giam tù và quản chế Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận đã khiến ông trở thành một dạng anh hùng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chính những năm tháng này cũng đủ kiến vị Hồng y tương lai lọt vào danh sách ứng viên tiềm năng kế vị Giáo hoàng - một papabile.[60]

Các hoạt động trong thời kỳ tù ngục, quản chế

Sinh hoạt tôn giáo trong tù

Giám mục Nguyễn Văn Thuận sử dụng các mẩu giấy vụn nhỏ để tạo thành một cuốn Kinh Thánh cỡ nhỏ.[61][3] Ông viết khoảng 300 bài Tin Mừng vào trong quyến Kinh Thánh tự tạo này, gồm những bài mà ông thuộc nằm lòng. Ông dùng ba giọt rượu và một giọt nước, đặt trong lòng ban tay để cử hành nghi thức truyền phép. Nguồn rượu đến từ gia đình, dưới vỏ bọc thuốc chống đau dạ dày để gửi vào trại tù, bánh được sử dụng trong nghi thức được cất trong giấy bạc bọc thuốc lá.[47]Cách cử hành lễ trong trại giam phụ thuộc vào hoàn cảnh: Dưới hầm tàu thủy, Nguyễn Văn Thuận cử hành lễ ban đêm giữa các tù nhân, với bàn thờ là túi cói. Tại trại giam Vĩnh Quang, ông dùng thời gian tù nhân đi tắm sau giờ thể dục vào ban sáng, nơi góc cửa và giữa đêm để cử hành thánh lễ Công giáo. Các tù nhân Công giáo tại trại giam này dùng giấy nylon bọc thuốc lá để cất giấu Mình Thánh và chia nhau mỗi người giữ trong một ngày. Với việc cử hành thánh lễ trong trại giam, Nguyễn Văn Thuận đã hỗ trợ nhiều giáo dân công giáo quay lại với đời sống tâm linh, dùng nhà giam làm nơi giảng dạy giáo lý Công giáo, đưa nhiều người không Công giáo gia nhập đạo, cử hành nghi thức Rửa Tội ngay trong trại tù hoặc sau ngày được tự do.[7][62]

Tình bạn với cai tù

Thánh giá đeo ngực Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận làm trong tù

Trong khi ở trong tù với năm cai ngục trẻ. Những người phụ trách đã cấm họ để nói chuyện với Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận. Ban đầu vệ sĩ được thay đổi sau mỗi khoảng thời gian 15 ngày. Quản lý nhà tù tin các vệ sĩ có nguy cơ bị "nhiễm" – trở thành bạn bè ông nếu ở lại với ông trong thời gian dài. Cuối cùng, họ dừng không thay đổi nữa vì sợ Nguyễn Văn Thuận sẽ làm "ô nhiễm" toàn bộ lực lượng.[63][64]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận trò chuyện với cai ngục qua cánh cửa tù về cuộc sống, các quốc gia khác nhau ông đã đến thăm, gia đình, thời thơ ấu. Ông cũng dạy họ tiếng Anh, tiếng Pháp, và một chút tiếng Nga. Một ngày nọ, ông nhờ một cai tù đem một vật dụng gì đó để ông có thể cắt một cây thánh giá từ một miếng gỗ. Mặc dù tất cả các biểu tượng tôn giáo bị nghiêm cấm, ông đã có một cây thánh giá đeo ngực (phẩm phục giám mục) trong 3 tháng. Ông giấu nó trong một bánh xà phòng. Một lần khác ông hỏi xin một đoạn dây điện và một cặp kìm. Trong vòng bốn giờ, Tổng giám mục Thuận đã sử dụng đoạn dây này nắn một chuỗi dây chuyền. Thánh giá đó về sau được mạ bạc và nó là thánh giá đeo ngực mà ông vẫn thường sử dụng.[63][47]

Viết sách trong thời gian quản chế

Ngày 16 tháng 8 năm 1975, một ngày sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Thuận bắt đầu biên soạn cuốn sách Năm chiếc bánh và hai con cá. Cùng viết song song với cuốn Năm chiếc bánh và hai con cá là cuốn Đường hy vọng với 1001 câu suy niệm ngắn gọn để giúp giáo dân Công giáo sống đạo một cách kiên vững trong hoàn cảnh mới của đất nước. Cuốn sách này được đánh giá là một di chúc tinh thần xúc động đối với nhiều người Công giáo Việt Nam.[21][65][66] Đến năm 1986, cuốn sách mới cơ bản hoàn thành và cho đến năm 1997, ông mới viết lời mở đầu cho nó.[65] Tiến trình viết sách Đường Hy Vọng tại nơi quản chế là Giáo xứ Cây Vông là do Tổng giám mục Thuận quyết định làm theo hành động của Phaolô, một tông đồ trong thời gian ngục tù: Các buổi đêm tháng 10 và tháng 11 năm 1975, ông đóng cửa và dùng mặt sau lịch blốc, với ánh đèn dầu và côn trùng vây quanh. Mỗi sáng, ông trao lại cho bé Quang, 5 tuổi, người đã hỗ trợ ông trong việc mua blốc lịch, đưa về nhà và nhờ anh chị chép lại. Ông dùng nhiều thời gian ngày đêm viết sách, vì lo ngại sẽ bị chuyển trại, và quyết định dừng lại ở lời nguyện thứ 1001. Cuốn sách hoàn thành và Nguyễn Văn Thuận dâng lời tạ ơn bà Maria nhân dịp lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, ngày 8 tháng 12 năm 1975.[7]

Hồng y Roger Etchegaray cho biết Hồng y Thuận từng kể lại cho ông nghe khoảng thời gian viết quyển sách Đường hy vọng:[67] Một buổi sáng tháng 10 năm 1975, tôi ra dấu cho một cậu bé 7 tuổi tên là Quang, đi dự lễ 5 giờ về, khi trời chưa sáng: "Con nói với mẹ mua cho cha mấy bloc lịch cũ!" Chiều tối, khi mặt trời bắt đầu lặn, Quang đem lại cho tôi các cuốn lịch bloc. Từ khi ấy, trong tháng mười và tháng 11 năm 1975, hằng đêm tôi viết cho dân tôi thông điệp từ cảnh tù đầy. Mỗi sáng, đứa bé tới lấy các tờ lịch, đem về nhà cho các anh chị chép lại thông điệp…

Trong thời gian quản chế ở Giang Xá, cách Hà Nội 17 cây số, từ 1978 đến 1982, Nguyễn Văn Thuận cũng đã viết thêm hai cuốn sách với chủ đề hy vọng. Ðó là cuốn Ðường Hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa và Công đồng Vatican II và cuốn Những người lữ hành trên Ðường Hy vọng.[21][7] Những năm biệt giam sau đó, ông đã viết khoảng 400 bài suy niệm bằng tiếng nước ngoài và đóng thành tập sách "Cầu nguyện Hy vọng".[21]

Phản ứng của gia đình

Bà Thủy Tiên – em gái Hồng y Thuận kể về thời kì này, bà cho biết:[68] Trong nhiều năm trời, chúng tôi không nhận được bất cứ tin tức gì về Ðức Hồng y cả, Chúng tôi nghĩ rằng anh của chúng tôi đã bị giết" Thế rồi hội Hồng Thập Tự, qua nhiều năm truy tìm, họ báo cho gia đình chúng tôi biết là ngài vẫn còn sống, và hiện đang bị giam trong trại cải tạo.

Bà Thủy Tiên cũng cho biết:[68] Sau này, những người cộng sản bảo ngài viết thư báo cho thân nhân mua thuốc tây gửi vào vì ngài bị bệnh... Thế rồi mỗi tháng, chúng tôi đều gửi toa đến một dược phòng bên Pháp, để đặt mua hàng trăm loại thuốc kháng sinh gửi vào trại cải tạo. Chúng tôi biết những loại thuốc đó không phải cho ngài, nhưng chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác, họ còn nhắn gia đình gửi sữa vào để nuôi người bệnh. Chúng tôi đã gửi sữa hộp vào trại, cho mãi đến khi ngài được thả, khi hỏi ngài bảo cán bộ chỉ đưa cho ngài hộp không và nói là sữa bị chuột ăn hết rồi.Có lần khi ông lâm trọng bệnh, hội Hồng Thập Tự dàn xếp để đưa ngài sang Pháp giải phẫu, rồi sau đó đưa ngài trở lại biệt giam tại miền Bắc Việt Nam.

Thời kỳ quản chế, chữa bệnh tại Việt Nam

Ngày 21 tháng 11 năm 1988, một cán bộ đến gặp Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận và yêu cầu ông này sau khi ăn cơm phải ăn mặc sạch sẽ để đến gặp một vị lãnh đạo. Nguyễn Văn Thuận được gặp ông Mai Chí Thọ – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khi được Bộ trưởng Thọ hỏi về nguyện vọng của mình, Tổng giám mục Thuận trả lời rằng mình mong muốn được trả tự do ngay lập tức. Chưa kịp để bộ trưởng phản hồi, Tổng giám mục Thuận trình bày về thời gian ở tù đã trải dài qua ba đời giáo hoàng và bốn Tổng bí thư Liên Xô. Bộ trưởng Thọ sau đó chấp nhận nguyện vọng của Tổng giám mục Thuận và trả tự do cho ông này, đưa vị giám mục đến quản chế tại tòa Tổng giám mục Hà Nội.[21] Nguyễn Văn Thuận được thả cùng ngày, tuy vậy, ông không được thi hành các công tác mục vụ.[14]

Năm 1989, các Giám mục Công giáo Việt Nam dự định chọn Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Chủ tịch hoặc Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục.[7] Tuy vậy, vì lý do sức khỏe, ông phải vào điều trị bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Nội vụ Việt Nam gửi đại diện là ông Nguyễn Tư Hà vào tiếp xúc với Nguyễn Văn Thuận, yêu cầu ông từ chối tẩt cả các chức vụ, dù chỉ là Chủ tịch Uỷ ban hoặc Tiểu ban nếu được bầu chọn. Tổng giám mục Thuận cho rằng nếu được chọn, ông không thể từ chối. Vì lý do này, ông Hà tham dự phiên họp Hội đồng Giám mục, thông báo chính phủ Việt Nam không muốn thấy Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận được chọn vào bất kỳ chức vụ nào trong Hội đồng. Do thời gian kỳ họp trùng với thời gian phẫu thuật, Tổng giám mục Thuận không thể tham gia họp và các giám mục không thể bầu chọn ông. Phẫu thuật thất bại, ông còn bị nhiềm độc. Medical Community of Saint Egidio tại Rôma can thiệp, ông được đưa sang Ý chữa bệnh. Sau vài tuần dưỡng bệnh, về đến Việt Nam, ông bị tịch thu hộ chiếu, bị canh chừng.[7] Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận rời khỏi Việt Nam đến Úc thăm cha mẹ đang sống tại đó, sau đó ông đến Roma gặp Giáo hoàng Gioan Phaolô II.[14]

Quay trở về Việt Nam, tháng 11 năm 1989, ông mắc bệnh viêm tiền liệt tuyến và được giải phẩu tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.[15] trong thời gian này, ông được mời làm thành viên Uỷ ban Quốc tế về Di trú và Di dân.[30] Vì bệnh tình nặng kéo dài, nên ông được cấp phép đến Roma tiếp tục điều trị. Nguyễn Văn Thuận đến Roma tháng 4 năm 1990.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phanxicô_Xaviê_Nguyễn_Văn_Thuận http://www.catholicweekly.com.au/01/mar/18/story_1... http://www.catholicworldreport.com/Item/2833/cardi... http://www.daughtersofstpaul.com/cardvanthuan/bio.... http://online.pubhtml5.com/xcsy/nkum/#p=1 http://online.pubhtml5.com/xcsy/nkum/#p=72 http://www.youtube.com/playlist?list=PLcx3AxCBq_KW... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835